Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

THƠ VUI CÙNG BẠN


ĐẾM LÁ THU
Cây Thông đứng ở giữa trời
Được nghe gió hát những lời thiết tha
Cây Tùng đứng giữa phong ba
Gió lay, bão giật, mưa sa chẳng sờn
Cây Trinh nữ mọc trong vườn
Ngại ngùng khép lá ai luồn, ai trêu
Hoa Ti gôn dáng diễm kiều
Như trái tim vỡ giữa chièu tương tư
Nhành Liễu mềm mại tự ru
Nghiêng mình soi bóng hồ thu tháng ngày
Gió lang thang thở vắn dài
Sao không mạnh mẽ như ngày bão giông
Mây trời ghen với sợi bông
Sao trong trắng thế, lại bồng bềnh hơn
Hoa gạo thắp lửa đầu thôn
Ghen với cây lúa xanh non vào đòng
Cô thôn nữ hát trên đồng
Nhớ ngày thổn thức tiễn chồng tòng quân
Thương em ngồi đếm tuổi xuân
Nhẩm đi, nhẩm lại, mình nhầm rồi sao?
Ngày nào mới tuổi cành cao
Mà sao nay đã nao nao bến chiều
Bao ngày lãng đãng ,phiêu diêu
Bóng câu...chớp mắt...trôi vèo rồi ư..
Em ngồi tự hỏi, tự ru
Giữa mùa Đông đếm lá Thu đời mình.
Vẫn dịu dàng dáng trúc xinh
Bao năm Trúc vẫn một mình...chờ ai ?

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Lời bình bài thơ TRĂNG LẠC

Nhà phê bình văn học NAM HÀ bình bài thơ TRĂNG LẠC của nhà thơ Lương Toán.
Đọc thơ của nhà thơ Lương Toán , ai cũng cảm nhận được thơ anh vết rất đa chiều. Ở thể loại nào người đọc cũng chọn ra được những bài đáng đọc, đáng nhớ. Trong thể thơ ngẫu hứng của anh có nhiều bài làm ta thích thú, có thể kể ra như: Nợ tình, giọt tình, Sợi tình, Ru tình, Oan tình..Về biển Đông có bài Nghĩ về hình Đất nước, Nhớ các chiến sĩ ở Đảo Gạc Ma.Hát cho đồng đội tôi nghe. Về nhân tình thế thái có bài : Ước gì sống lại thời còn Bác, Quan tham ông là ai...Đặc biệt Về trăng có Ngắm trăng, Chơi trăng, Nói chuyện với trăng. Trăng lạc. Riêng với Trăng lạc tôi cảm thấy thích thú, tương đồng, muốn nói đôi điều về bài thơ này. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có bốn câu, thể lục bát mượt mà, chuẩn mưc.Bài thơ như sau :
TRĂNG LẠC
Nửa vầng trăng rớt bên cầu
Nửa kia rơi... lạc vào câu thơ tình
Bên cầu trăng đứng một mình
Bên thơ trăng đã ngậm vành môi thơm.
Nói về trăng, các thi sĩ từ xưa tới nay đều đắm say, mộng mị, mê mẩn...
Nhà văn Nam Cao đã ví :
Trăng là liềm vàng
Trăng là đia bạc
Trăng là cái vú mộng cho các thi sĩ ngàn đời mơn man.
Nhà thơ Hàn MặcTử là một trong những thi sĩ nói nhiều đến trăng và cho trăng được vùng vẫy trong nhiều trạng thái của đời sống nhất như : Say trăng, Chơi trên trăng, Ngủ với trăng, Trăng tự tử. Hàn MặcTử có nhiều câu thơ để đời về trăng :
Trăng nằm sóng soài bên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi (bẽn lẽn ).
Có ai nuốt ánh trăng vàng ( Uống trăng )
Ta gặp nàng trăng ở suối trăng ( Chơi trên Trăng )
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả...( Say trăng )
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa kia ai cắn mất rồi...( Một nửa trăng.)
Và khi cao hứng Hàn mặc Tử còn bán cả trăng:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho...
Người đời và các Thi sĩ nghĩ cảm nhận về trăng khác nhau, Phạm Đức Nhị cho là trăng vuông . Tràn Đăng Khoa cho rằng trăng tròn như quả bưởi, như cái mẹt treo trên trời, các nhà thơ gọi trăng là chị Hằng.
Trạng thái của trăng tùy theo sức tưởng tượng của mỗi người cũng khác nhau: Trăng buồn, trăng khóc, trăng cười, trăng đỏng đảnh. Hình dạng của trăng cũng thế : trăng tròn, trăng hình bán nguyệt, trăng như lưỡi liềm, như cánh diều, như con thuyền.Mọi người đam mê với trăng : Nhà thơ Nguyễn thị Năm có tập thơ Thức đợị vầng răng .Nhà thơ Nguyễn thị Thanh Xuân đang in tập thơ Trăng vỡ...
Hình như trăng chỉ là cái cớ cho nhà thơ gửi lòng mình vào đấy tâm sự, rồi tùy hứng nhào lặn vầng trăng theo ý mình...
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trăng như người bạn chia sẻ với mình những ưu tư, suy đoán khi luận đàm thế sự :
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền...
Đại thi hào Nguyên Du dùng hình tượng vầng trăng xẻ nửa để nói lên tâm trạng của của đôi lứa khi phải xa nhau:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường...TK ND
Trong trăng lạc, nhà thơ Lương Toán hình như muốn giấu đi tâm trạng của mình, nên chỉ tả vầng trăng mình nhìn thấy như sự tình cờ :
Nửa vầng trăng rớt bên cầu
Nửa kia rơi...lạc vào câu thơ tình
Vầng trăng rớt bên cầu thì hình bóng rõ quá rồi. Ai đi chơi đêm trong miền quê trong những ngày trăng sáng mà không một lần nhìn thấy ánh trăng soi bóng nước dưới chân cầu. Hoặc ánh trăng mà cô gái quê đã múc đổ từ ruộng này sang ruộng kia:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ( ca dao )
Còn hình ảnh Nửa vầng trăng rơi lạc vào câu thơ tình...thì chỉ có nhà thơ, người làm công tác văn học nghệ thuật mới cảm nhận được sâu sắc... Nửa trăng đã soi gối chiếc, thì trăng rơi vào câu thơ tình là lẽ đương nhiên. Vì như Hàn Mặc Tử đã cảm nhận:
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi...( Bẽn lẽn )
Trong bài thơ ngắn chỉ vẻn vẹn có hai câu thơ Lục bát mà nhà thơ Lương Toán đã cho người đọc thấy trạng huống của vầng trăng : Trăng rớt, trăng rơi, trăng lạc, trăng đứng một mình và cái bất ngờ đến thú vị là trăng ngậm vành môi thơm.. Hình ảnh trăng ngậm vành môi thơm tác giả dùng quá đắt, quá tài tình, làm cho trăng như có hồn, trăng rớt, trăng lạc, trăng đứng...đến trăng ngậm vành môi...mà lại là vành môi thơm, vành môi của người con gái...thì làm cho người đọc bất ngờ, thích thú bởi sự lãng mạn, lẳng lơ và đỏng đảnh của vầng trăng.Tác giả đã thồi hồn ân ái cho vầng trăng. Vầng trăng đã có sức sống kỳ diệu như những đôi tình nhân.
Nửa vầng trăng rớt bên cầu
Nửa kia rơi....lạc vào câu thơ tình
Bên cầu trăng đứng một mình
Bên thơ trăng đã ngậm vành môi thơm
Bài thơ như một bức tranh thủy mạc vẽ cảnh trời đêm vằng vặc ánh trăng soi xuống mặt nước chân cầu lung linh huyền ảo, ở trên cầu có đôi trai gái đang tình tư, họ hôn nhau, ánh trăng như soi rõ nụ hôn của họ, họ hôn nhau như hôn cả ánh trăng như Hàn Mặc Tử từng thể hiện :
Có ai nuốt ánh trăng vàng ( Uống trăng )
Nàng trăng hãy mớm xuống hồn ta
Sức nóng trong hơi của ngọc ngà...(Uống trăng )
Một bài thơ Lục bát chỉ với bốn câu ngôn từ trong sáng, mạch lạc, nhịp điệu uyển chuyển như một tấm gương phản chiếu tâm hồn nhà thơ với tình, với cảnh, với thiên nhiên muôn màu, nghìn sắc. Xin cảm ơn nhà thơ Lương Toán về một bài thơ cảm đề rất thú vị Trăng rớt
NAM HÀ

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Lời bình của Nhà phê bình văn học Mai Thanh về bài thơ VÀO CHÙA CÙNG EM của Nhà thơ Lương Toán

Lời bình của nhà phê bình văn học , nhà thơ MAI THANH về Bài thơ VÀO CHÙA CÙNG EM của nhà thơ LƯƠNG TOÁN - LƯƠNG MẠNH HẢI.
Thơ tình nói chung thường gây rung động lòng người. Thơ tình nỗi niềm lại cộng thêm nỗi cảm động, khiến bài thơ trở nên xúc động lạ thường.”Vào chùa cùng em” của Lương Mạnh Hải là một bài thơ như thế!
Bài thơ tạm chia thành ba mạch ý tưởng.
Bốn câu thơ đầu:
Em đang tu ở chùa nào?
Để anh xuống tóc xin vào cùng tu.
Ngày ngày cùng niệm ... Nam mô
Thỉnh chuông, gõ mõ, tự ru lòng mình...
Tình yêu dang dở, em trốn chạy vào chùa đi tu, nhưng anh không thể xa em được, quyết đi tu cùng em – đã rõ, vì em, chứ không phải vì Phật Thiền mà anh đi tu, để được “Thỉnh chuông, gõ mõ, tự ru lòng mình...”, để niệm ru nỗi niềm chia ly!
Mười sáu câu ở thân bài tiếp theo là cảm kể về chuyện tình của anh và em với bao điều trái ngang:
Trái ngang và những chuân chuyên
Theo em phận gái thuyền quyên một đời
Để rồi em quên mọi tính cách con người, như tham lam, ghen tỵ, si mê, lạc thú, giận hờn, yêu thương và khinh ghét, đặc biệt là quên đi tình yêu nồng nàn, đằm thắm của chúng ta để chỉ nghe tiếng chuông chùa khỏa lấp hồn yêu:
Xa rồi, xa mãi thật rồi
Vòng tay ai... của một thời yêu thương
Chỉ còn những tiếng chuông buông
Binh bong đọng nỗi vấn vương trời chiều.
Bốn câu kết của bài thơ như là lời van vỉ tình yêu “xin em…”:
Xin em giữ cặp môi mềm
Trái tim và những nỗi niềm riêng anh...
Những lênh đênh, những chông chênh
Gửi theo tiếng mõ, tiếng kinh, nguyện cầu... !
Biết là em khó quay lại với tình yêu ngang trái, ý định của anh cùng em xuống tóc đi tu có thể không thành, vậy nên chỉ mong em luôn nhớ anh, nhớ mãi tình yêu của chúng ta mà gửi niềm yêu thiêng liêng ấy vào tiếng mõ, tiếng kình thỉnh cầu…
Thơ và nói rộng ra là văn chương – nghệ thuật về tình yêu nỗi niềm đã nhiều.Câu chuyện tình “Lan và Điệp” điển hình cho đề tài này mà nhiều người biết đến. Tình yêu nỗi niềm được gắn với yếu tố Phật thiền khiến trở nên huyền bí và thiêng liêng. “Vào chùa cùng em” là bài thơ như vậy!
Về nghệ thuật, vẫn với lối thơ cảm kể quen thuộc, Lương Mạnh Hải dẫn dắt người đọc vào nỗi niềm xa xót của tình yêu ngang trái, tạo nên một thi trường tràn đầy xúc động.
Ngôn từ bài thơ chọn lọc và đắc địa với tình yêu xót xa - ngang trái, với cảnh quan Phật thiền thiêng liêng và với sức truyền cảm qua ngôn từ cảm kể của nhà thơ. Thể thơ lục bát chuẩn luật, mượt mà là lối thơ quen thuộc của Lương Mạnh Hải.
Chúc mừng Lương Mạnh Hải về bài thơ mới “Vào chùa cùng em” - bài thơ khẳng định một lần nữa về phong cách thi ca Lương Mạnh Hải.
VÀO CHÙA CÙNG EM
Tặng TM & MT
Em đang tu ở chùa nào?
Để anh xuống tóc xin vào cùng tu.
Ngày ngày cùng niệm ... Nam mô
Thỉnh chuông, gõ mõ, tự ru lòng mình...
Đời người muôn nẻo đường tình
Thuyền em ngược nước, chòng chành bão xô
Gửi lòng qua những trang thơ
Thơ không chở nổi con đò lỡ duyên
Trái ngang và những chuân chuyên
Theo em phận gái thuyền quyên một đời
" Tham, sân, si " của kiếp người
" Hỉ, nộ , ái, ố "... một đời, đành buông...
Buông luôn cả những vấn vương
Nụ hôn còn đượm mùi hương cõi người...
Xa rồi, xa mãi thật rồi
Vòng tay ai... của một thời yêu thương
Chỉ còn những tiếng chuông buông
Binh bong đọng nỗi vấn vương trời chiều.
Buồn vui trong cõi phiêu diêu
Thơ yêu níu với cánh diều đời em.
Xin em giữ cặp môi mềm
Trái tim và những nỗi niềm riêng anh...
Những lênh đênh, những chông chênh
Gửi theo tiếng mõ, tiếng kinh, nguyện cầu... !
Lương Mạnh Hải - Lương Toán