Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

QUÀ NOEL MỪNG BẠN

VIẾT CHO ĐÊM NOEL

No el chúc mọi điều lành
Hành tinh xanh mãi màu xanh tuyệt vời
Nơi nơi rộn rã tiếng cười
Gặp nhau chỉ nói những lời yêu thương
Trong tranh chấp biết nhịn nhường
Lớn đừng ỷ thế, coi thường luật chơi
Đừng ai lấy thịt đè người
Lấn chiếm biên giới, biển khơi...về mình...
Không còn khủng bố, chiến tranh
Năm Châu, Bốn biển...thanh bình, ấm no
Mọi người sống trong tự do
Nhân quyền vang khúc nhạc thơ dâng đời
No el rực sáng đất trời
Trẻ già, trai gái rạng ngời niềm vui.

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

THƠ TÌNH LƯƠNG TOÁN

GIAO LƯU

UỐNG RƯỢU CÙNG ĐỖ CHIẾN THẮNG
UỐNG

Uống đi quên cái rối bời
Cho tóc xanh lại cho trời thắm mây
Uống đi cho dạ ngất ngây
Nâng ly ta hứng men say đất trời
Thả hồn vào cõi chơi vơi
Thả tình vào giọt men đời rượu thơ
Uống đi để mãi ngu ngơ
Uống say tặng nỗi dại khờ cho nhau
Uống đi dấu nỗi u sầu
Uống đi quên nhịp tim đau cuối chiều
Đ C T 6-11-2014

TA MUỐN SAY

Ta muốn say để quên được em
Để cho rượu ru ngủ con tim
Không còn cảm giác yêu em nữa
Đển trốn, em không biết lối tìm
Ta muốn say để quên được em
Để thơ không vò nát con tim
Để hồn không vướng người trong mộng 
Để liễu bơ vơ rủ trước thềm.
Ta ước gì nhanh quên được em
Để cho ngày ngày cũng như đêm
Gửi cõi lòng ta nơi cửa phật
Thanh thản trong tim một cõi thiền!
Rượu uống liên miên chẳng chịu nghiền
Mà sao ta chỉ thấy nghiền em
Nhớ đôi mắt ấy, lần môi ấy
Say tỉnh, tỉnh say vẫn muốn tìm !
Ta ước gì nhanh quên được em
Để thơ không vò nát con tim
Để hồn không vướng người trong mộng
Cùng rượu, thơ lạc vào cõi Tiên...

Thơ tình Lương Toán - L M H


Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

NGẪU HỨNG THƠ

BÂNG KHUÂNG

Khoảnh khắc cuộc đời mấy chốc

Tần tảo bươn chải nhọc nhằn
Buồn vui như áng phù vân
Cười xong nước mắt đã tràn.

Tình anh bao năm dành dụm
Bỗng đâu hoang phí một ngày
Cả đời uống mãi không say
Trước em một ngày ly cạn...

Sống không dốc bình cùng bạn
Chết đi ai tưới mộ mình
Có trải qua nhiều kiếp nạn
Mới biết quý trọng nghĩa tình

Yêu đi mặc thuyền lênh đênh
Yêu đi mặc đời chông chênh
Trao nhau nụ cười ánh mắt
Cây đời hoa trái ngát xanh.


Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

THƠ TÌNH LƯƠNG TOÁN

BẾN DUYÊN

Đò tình vừa ghé bến duyên
Mà em đã chất đầy thuyền trăng thơ
Nào vần nhớ, nào vần chờ
Vần nào cũng thấy ngẩn ngơ nỗi đời
Nụ cười, nước mắt cõi người
Hình như đều quyện vào lời thơ yêu
Tình yêu như những cánh diều
Diều lên nhờ gió, lộn lèo thuyền rơi...
Thương nhau chung ý, chung lời
Gần nhau qua những nụ cười hiểu nhau
Mặc biển cả, mặc sông sâu
Mặc trời Nam Bác hai đầu cách ngăn
Chữ tình lồng giữa chữ tâm
Hồng nhan tri kỷ, tri âm...đã cùng.
Thuyền còn qua những bão giông
Và còn khúc khuỷu, bềnh bồng sóng chao
Bến còn đợi, thuyền còn vào
Bởi thuyền còn mãi xốn xao bến chiều..

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

NỖI LÒNG NGƯỜI MẸ
Tản văn
Các cụ ngày xưa thường ví: Lon ton con mẹ, lẹ xẹ mẹ con, để nói về mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa mẹ và những đứa con, nhất là giữa mẹ và con gái. Mẹ con Đào cũng vậy, từ ngày chia tay chồng, ba mẹ con quấn quít, như không bao giờ rời nhau. Đào ngồi đâu, hai cô con gái, đều bên cạnh, đứa ôm eo, đứa bá vai, bá cổ. Đêm đêm ngủ, mối đứa rúc vào bên nách mẹ ngủ. Lớn lên, lúc là sinh viên đại học rồi, mấy đứa con vẫn thích ấp vào ti mẹ mà thơm, mà hít.
Ngày bé, con gái Đào cứ khăng khăng nói với mẹ: Mẹ ơi, sau lớn lên con không lấy ai, con chỉ lấy mẹ. Con ở với mẹ và nuôi mẹ cả đời...Những ngày vất vả, tần tảo đã qua. Hai con gái của Đào đã tốt nhiệp đại học, có nơi làm việc ổn định, thu nhập khá. Con gái lớn sắp dược làm mẹ. Con gái nhỏ đã có người yêu...Vì thương con, từ lâu Đào đành lòng ở vậy. Đào không muốn có sự xáo trộn trong gia đình, ảnh hưởng đến việc học hành, phấn đấu của con. Nay con đến độ trưởng thành, Đào mới mơ hồ cảm thấy sự cô đơn, mỗi ngày như rõ hơn xâm chiếm tâm trạng Đào. Nhất là từ ngày con gái lớn của Đào lấy chồng, tâm tính của nó như đã đổi khác. Nó hay xét nét về các mối quan hệ của mẹ, nhất là những lúc Đào đi ca hát, chụp ảnh với bạn bè. Uyên , con gái lớn của Đào, thường bắt mẹ gỡ những tấm ảnh chụp chung với những người đàn ông lạ ra khỏi máy ảnh...sợ gia đình nhà chồng Uyên biết, mẹ thế này, thế kia. Hình như nó đã bị ảnh hưởng nếp sống bên gia đình chồng nó. Nó không hiểu hết lòng mẹ , bao năm vì con ru rú ở nhà, nay con lớn, nỗi cô đơn, trống trải mỗi ngày như rộng thêm ra. Cũng nhiều người muốn đến với Đào. Bố các con, chồng cũ của Đào, muốn quay lại, nhiều lần gạ gẫm, đe dọa, nhưng Đào nhất quyết từ chối. Các con của Đào cũng không muốn Đào quay lại với ông ta, vì những ngày ấu thơ, chúng đã chứng kiến bố của chúng bạo hành với mẹ nó như thế nào...Đến với những người trẻ hơn, Đào sợ lại con nọ, con kia, bởi Đào còn tuổi sinh nở. các con của Đào đều muốn Đào đến với người nào đứng đắn, tử tế, chỉ làm bạn với nhau thôi, không ràng buộc gì với gia đình của cả hai người...Ngày con gái thứ hai đi lấy chồng sắp đến...Đào sẽ phải ở một mình...
Trong một lần trò chuyện, Uyên con gái lớn, nói thẳng với Đào: Con là mệnh hỏa, mà mẹ mệnh thủy, con không thể ở cùng nhà với mẹ được, ở với mẹ con khó làm ăn , vì mẹ là thủy khắc cái hỏa, là ngọn lửa của con...Liễu con gái thứ hai cũng nói ý của người yêu là sẽ mua nhà để mẹ ở gần, ngại không muốn ở cùng nhà với mẹ vợ. Đào nghe con gái nói, mà như có muối xát vào lòng, đau nhói đến buồng tim. Tuy vậy, khi ấy Đào vẫn cười nói : Các con không phải lo gì cho mẹ, mẹ vẫn khỏe và tự lo được. Nhưng từ trong sâu thẳm cõi lòng, Đào thất vọng về những suy tính tuy là thực tế, nhưng nông cạn, có điều gì đó phũ phàng với Đào, người đã hết lòng lo lắng thương yêu, đùm bọc, che chở cho các con...nay chúng chưa rời khỏi vòng tay Đào, chúng đã tính toán, cặn kẽ, chi ly đâu ra đấy cho hạnh phúc riêng của chúng.
Những tâm sự riêng này, Đào âm thầm chịu đựng, rồi đêm đêm lệ trào trên gối. Cũng may mà Đào vẫn có người đàn ông của riêng mình để tâm sự chia sẻ, rồi tựa vào anh mà khóc cho nỗi lòng vợi đi..

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

THƠ LƯƠNG TOÁN


YÊU ĐI EM

Con tim còn đập, mỗi ngày
Buồn vui, hờn giận đong đầy buồng tim.
Trào ra thành những nỗi niềm
Cần người chia sẻ ngày đêm với mình.
Thuyền không bến sẽ lênh đênh
Bến xa thuyền, bến chông chênh mỗi ngày.
Bàn tay cần một bàn tay
Bên bàn rượu, cần người say cùng mình
Một đời qua mấy cuộc tình
Vẫn da diết nhớ, người mình tri âm
Bao giông tố, mấy phong trần
Mà con tim vẫn thì thầm... lời yêu
Dù bình minh , hay xế chiều
Vẫn yêu như những cánh diều muốn bay...
Vui sao mỗi một lần say
Cảm xúc mới lại dâng đầy trang thơ.
Xin đừng để cải thành dưa
Mà rồi tiếc nuối ngày xưa, cải ngồng...
Còn người để nhớ, để mong
Để neo hy vọng, để vương vấn chờ...
Là còn có ngững ước mơ
Là còn cảm xúc cho thơ sống rồi .
Hãy yêu, yêu mãi bạn ơi
Yêu đi em, yêu cho đời vui hơn...

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

THƠ TÌNH LƯƠNG TOÁN

THƠ TÌNH DỰ THI

BÀI 1
THƠ CHO NGƯỜI TÌNH ẢO

Thuyền tình anh đã buông neo
Sóng lòng ai mãi vỗ reo mạn thuyền
Chưa lời thề thốt hẹn nguyền
Ma thơ hẹn đến Hoàng Tuyền mang theo
Tim còn đập, gió còn reo
Thuyền chưa trái gió, lộn lèo đừng buông...
Thà trần thế ngắm trăng suông
Còn hơn thác xuống Tiền Đường đợi nhau
Dù rằng tóc đã trắng phau
Dẫu chưa thể có được nhau trong đời
Sau thơ như đã say người
Qua thơ như đã gặp người trong mơ.

BÀI 2
NƯỚC MẮT ĐÀN BÀ

Sợ nhất nước mắt đàn bà
Lúc như thác lũ, lúc là lưỡi dao
Mỗi khi giọt lệ em trào
Anh thấy gió bão, sóng trao trong lòng
Tình em tinh khiết, trắng trong
Nước mắt em...Đã thành vòng Kim cô
Cho anh quên những vẩn vơ
Cho thơ anh bớt ngẩn ngơ, bóng hồng
Anh tròn bổn phận làm chồng
NHờ nước mắt với lửa lòng tình em.
Nước mắt chính là nỗ niềm
Của em yêu, của con tim chung tình.

BÀI 3
GHEN VỚI GIỌT MƯA

Trời chiều bất chợt đổ mưa
Em cầm ô nhỏ chẳng vừa che thân
Giọt xa chen lấn giọt gần
Giọt hôn lên má, giọt lần xuống môi...
Giọt mưa làm buốt tim tôi
Nó hôn lên má, lên môi của nàng !
Ước gì trời nắng chang chang
Giọt mưa tan biến, má nàng mau khô.
Khi mưa em đừng dùng ô
Để anh cầm nón che cho an toàn
Chẳng giọt mưa nào tranh phần
Hôn lên mái tóc, lên làn môi em.
Xin đừng trách anh quá ghen
Bởi yêu em, giữ riêng em cho mình.

BÀI 4
TÌNH THƠ

Có người tận chốn xa xôi
Vấn vương thương nhớ một người làm thơ
Tìm nhau giữa cõi phù du
Để vần thơ khuyết, vẩn vơ tình chiều
Biết còn bến để buông neo
Hay thơ yêu giữa mưa chiều vắng em.
Biết còn có hẹn mà lên
Sợ thơ níu kéo, lại quên đường về
Uớc gì có mảnh trăng thề
Có Sông Ngân cùng em về đếm sao
Đất thì thấp, trời thì cao
Chỉ thấy thơ, nào đâu nào thấy em...!

Bài 5
VU VƠ

Ngồi buồn, chẳng biết nhớ ai
Hình như đang nhớ một người vu vơ.
Em trao chỉ mấy vần thơ
Mà sao ngơ ngẩn, ngẩn ngơ em hoài.
Ước gì có dịp gặp người
Nụ cười đánh đổi nụ cười cho nhau
Để thơ ai rớt bên cầu
Nhặt về ướp với cau trầu tặng em.



Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

MỘT ĐỜI NHÌN LẠI

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Chuyện 1

NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT.

Ngày ấy tôi đang làm chính trị viên đại đội , của một tiểu đoàn đào tạo sĩ quan của Trường sĩ quan Thông tin, đóng quân ở thôn Đoan Bái, xã Đoàn Kết huyện Hiệp Hòa tỉnh Hà Bắc cũ, nay là tỉnh Bắc Giang . Môt hôm,tôi được chính trị viên tiểu đoàn báo lên Phòng chính trị Nhà trường nhận nhiệm vụ. Tôi hồi hộp, có chút phân vân. Tôi nghĩ chắc đợt này được điều vào chiến trường. Nghĩ như vậy tôi rất mừng, vì sau khi tốt nghiệp lớp Đào tạo giáo viên ký thuật cơ sở của Nhà trường, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho gia đình là học xong sẽ vào chiến trường, bởi lúc ấy đang chuẩn bị chiến dịch đánh Quảng Trị. Nhưng rất buồn, học xong tôi phải ở lại làm giáo viên Khoa Vô tuyến điện, thày giáo Nguyễn Từ đã thông báo chính thức cho tôi. Song Chính ủy Nguyễn Hằng và Hiệu trưởng Hoàng Tài Long ra quyết định điều tôi về làm Trợ lý Đảng ủy Nhà trường, trước mắt xuống cơ sở quản lý học viên sĩ quan một thời gian, thâm nhập thực tế cơ sở để hiểu thêm về Nhà trường.Ngày ấy tôi đã lỡ một dịp vào chiến trường, nay nghĩ sắp được đi,tôi vui lắm.Vào chiến trường, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, còn máu mê viết văn, làm thơ từ hồi trước nên tôi càng háo hức.
Người giao nhiệm vụ cho tôi hôm đó là Thượng tá Lương Hữu Dụ, Phó Chính ủy Nhà trường. Trong phòng chỉ có tôi và ông. Ông nói: Tôi đã chuẩn bị giấy giới thiệu và các thứ cần thiết cho đồng chí. Đồng chí lên gặp Giám đốc bệnh viện, đề nghị các đồng chí ấy giúp đỡ. Xong việc đưa đồng chí nữ quân nhân này về phòng khách, nhà trường giải quyết tiếp. Nhà trường sẽ cho một nữ y tá đi cùng giúp đồng chí những việc cụ thể. Nhà trường yêu cầu tuyệt đối giữ kín, không để ai biết. Dưới đơn vị của đồng chí, chỉ đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn biết việc này....
Tôi mở giấy giới thiệu ra đọc:...................( Tôi không viết hết ra đây...sợ dài, lãng phí thời gian của bạn đọc) ...Lúc ấy vừa buồn cười, vừa tức. Tại sao Nhà trường gần ngàn cán bộ, giáo viên, mấy chục nữ y sỹ, y tá mà bắt mình trực tiếp đến liên hệ với bệnh viện làm việc này. Nhiệm vụ đặc biệt đó là: Giới thiệu Thượng úy Lương Mạnh Hải liên hệ với ban Giám độc bệnh viện Bắc Ninh giúp nạo thai cho hạ sĩ Lê thị Gái do đang thực hiện nhiệm vụ không thể nuôi con được...
À ra...Nhiệm vụ đặc biệt là thê!. Ngày ấy trong Quân đội, mới tuyển chiến sĩ nữ được mấy năm. Từ năm 1965, 1966 Thời kỳ ở Quân khu Tả Ngạn, Quân Khu Đông Bắc, tôi đã chỉ huy một đại đội 160 chiến sĩ, trong đó có 65 chiến sĩ gái, tuổi đời từ 17 đến 21 mà chưa xảy ra sự cố như tình huống tôi vừa nêu trên. Nay về trường phải giải quyết một việc mà chưa bao giờ mình nghĩ tới. Cùng đi với tôi lúc ấy có Trung sĩ ý tá Mai thị Chính, y tá trong ban Quân ý của tiểu đoàn. Khi biết nhiệm vụ, Chính nói với tôi: anh em mình phải cái vạ vịt rồi. Em không sao, anh là sĩ quan, là đàn ông, em cũng thấy ngại cho anh.Trong Quân đội ngày ấy đơn vị nào để xảy ra việc này là tối kỵ. mất hết thành tích thi đua. mất Chi bọ 4 tốt, đơn vị vững mạnh hay Quyết thắng...mất tuốt...Nên Nhà trường muốn giữ kín việc này, không để trên Bộ, hoặc các cục, các phòng chức năng biết.
Ngày ấy phương tiện đi lại chủ yếu là bằng xe đạp. Từ Bắc Giang về Hà Nội họp, trừ thủ trưởng Nhà trường, hoặc những đợt tập huấn đông người mới có xe ô tô, còn cán bộ, sĩ quan đi lại chủ yếu đạp xe đạp. Thời ấy anh nào có xe Phượng Hoàng, xe Thống nhất là khá rồi. Riêng tôi được phân phối chiếc xe Phượng Hoàng khá là oách. Tôi cùng y tá Chính và Hạ sĩ Lê Thị Gái đi xe đạp từ xã Đoàn Kết ,Hiệp Hòa qua bến Đò Chờ đạp xe ven đê sông Cầu về bệnh viện Bắc Ninh.Lúc đầu y tá Chính đeò hạ sĩ Gái, sau đường ghập ghềnh, Gái sang ngồi xe tôi...Gái năm ấy mới 19 tuổi, da trắng hồng, đang là tuổi đẹp và xuân sắc nhất của người con gái...cân nặng, Gái xấp xỉ như tôi. Lúc ấy tôi năng gần năm mươi cân ... Sau khi gặp đồng chí nữ Phó Giám đốc, chúng tôi được đồng chí dẫn đến Khoa sản bệnh viện Bắc Ninh. Nhiều chị em đến khám bệnh, chờ đẻ, người nhà đi cùng rất đông.. Bệnh viện thời ấy còn nền nếp, trật tự và ngăn nắp hơn bây gờ nhiều. không có tình trạng một giường hai ba bệnh nhân như bây giờ.Trong chiến tranh hình như con người ít ốm đau ,bệnh tật thì phải...
Thấy chúng tôi đưa một cô gái trẻ vào khoa sản, mọi người nhìn có vẻ soi mói. Gái úp cái nón ngang bụng, vẻ mặt buồn, bẽn lẽn như người có lỗi...Tôi để y tá Chính đưa Gái vào phòng hút thai, tôi ngồi chờ ở hàng ghế phòng ngoài. Nhiều bà, nhiều chị nhìn tôi có vẻ ngờ vưc, như chính tôi là tác giả của cái sinh linh bé nhỏ trong bụng Gái. Có mấy chị còn trẻ, có vẻ đáo để, cố nói to lên như để cho tôi nghe: Trông thủ trưởng trẻ, đẹp trai và nhiều sao thế kia...lính nào, em nào mà chẳng chết...! Nghe câu nói lúc ấy của các cô tôi rất bình thản, không thấy xấu hổ, mà chỉ thấy buồn cười, vì lối nói chanh chua của mấy chị, mấy cô....
Khoảng nửa giờ sau, tôi thấy Chính đưa Gái chầm chậm bước ra, em có vẻ mệt mỏi. Tôi nói với Chính và Gái, mình ra cổng bệnh viện ăn trưa và nghỉ một lát rồi hãy về. Tôi chỉ nói với các em về những chuyện của quê hương Quan họ, của sự giỏi giang,thông minh của con gái Kinh Bắc, trong đó có Nguyên Phi Ỷ Lan, hai lần nhiếp chính thay vua đi đánh giặc. Về chiến tích của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt...khúc sông mà chúng tối đi qua. Tôi động viên để em đỡ suy nghĩ, mặc cảm.Đúng là thời ấy như thế là rất nghêm trọng, nào là đạo đức, quan điểm lập trường...Mấy năm trời quản lý các chiến sĩ nữ, tôi chỉ tâm niệm một điều: các gia đình người ta gửi con em cho Quân đội, mình là người phụ trách, phải có trách nhiệm như cha mẹ, như anh chị, để các em vừa hoàn thành được nhiệm vụ, giữ thể diện cho gia đình, cho địa phương.... Lúc ấy trong đơn vị cán bộ phụ trách đều là những sĩ quan trẻ, tài năng , nhiều anh điển trai, là ước mơ của các cô snh viên Sư phạm, sinh viên Y khoa, của các cô thôn nữ. Về sau này, mỗi lần sinh hoạt hội truyền thống đơn vị, gặp lại mấy cô chiến sĩ của đơn vị cũ. các em hỏi tôi: sao bây giờ anh vui tính và dề gần thế...?. Ngày xưa anh nghiêm khắc, chúng em sợ anh lắm, không dám nói chuyện với thủ trưởng...Tôi cười, ngày ấy không thế thì anh cũng chết và các em đâu còn vui vẻ như hôm nay...Anh nghĩ bây giờ cho anh phụ trách lại các em hồi đó anh không dám chắc có giữ được như ngày ấy không?...Mấy cố lính xúm vào đấm tôi thùm thụp....Giá lúc ấy anh như bây giờ...làm sao chúng em có đứa nhỡ nhàng...!
Một tuần sau đó Hạ sĩ Lê Thị Gái được chuyển ngành ra Sở Thương nghiệp Hà Bắc. Chyện về em đi phá thai không ai hay biết. Tác giả của cái sinh linh bé nhỏ ấy trong bụng em, cũng không ai biết rõ...sau này có tin đồn là của một sĩ quan có vị trí trong tiểu đoàn, tôi cũng linh cảm ra điều đó ngay từ đầu.. Trên giao việc cho mình giữ bí mật tuyệt đối, nên tôi chưa hề thổ lộ với ai. Nhưng sự việc đó ít nhất trong trường đã có mấy người biết. Không biết ai nói ra...,mà dần dà mấy chục năm sau nhiều người biết, và hiểu rõ ngọn ngành sự việc.Khi gặp tôi anh chi em hỏi lại và vẫn nói đùa: Trông thủ trưởng đẹp trai, nhiều sao thế kia...mần chi các em chẳng chết...
Thực ra một thời mình ấu trĩ, ảnh hưởng cách mạng văn hóa của Trung Quốc từ sai lầm cải cách ruộng đất...đến xử dụng cán bộ cốt cán, thiên về thành phần giai cấp, giết chết những sáng tạo độc lập, tự do cá nhân. Yêu nhau, say mê nhau, trót ngủ với nhau có sao đâu. bắt họ cưới, họ có trách nhiệm với nhau là ổn. Nhưng xét cho cùng, thời ấy không nghiêm như thế, làm gì có người ra mặt trận...Suy cho cùng, nghĩ thế thôi chứ không nên phê phán. Đem cái thực tế lịch sử của giai đoạn này, áp đặt để phê phán giai đoạn khác, là không đúng, không thực tế, và không khách quan...Người của thế hệ nào cũng có cái thiệt thòi của thế hệ đó và cũng có cái may mắn của thế hệ đó.
Chuyện xảy ra đã hơn 40 năm, cũng là một kỷ niệm buồn vui trong đời quân ngũ. viết lại để mọi người có dịp tìm hiểu về một thời: Sáng đẹp như những tấm gương soi.
Hết chuyện1- ( còn nữa )

Trích truyên ký MỘT ĐỜI NHÌN LẠI - Lương Toán



Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

XIN ĐỪNG XUỐNG TÓC NGHE EM.


Bloger Mai Trinh










Ni cô Mai Trinh
























VÀO CHÙA CÙNG EM

Em đang tu ở chùa nào?
Để anh xuống tóc xin vào cùng tu.
Ngày ngày niệm Phật, nam mô
Thỉnh chuông, gõ mõ...tự ru lòng mình...
Đời người muôn nẻo đường tình
Thuyền em ngược nước, tròng trành bão sô
Gửi lòng qua những trang thơ
Thơ không chở nổi con đò lỡ duyên
Trái ngang và những truân chuyên
Theo em phận gái thuyền quyên...một đời
Tham, sân, si của kiếp người
Hỉ, nộ , ái, ố...một đời, đành buông...
Buông luôn cả những vấn vương
Nụ hôn còn đượm mùi hương cõi người...
Xa rồi, đã xa thật rồi
Vòng tay ai, của một thời yêu thương
Chỉ còn những tiếng chuông buông
Vọng thinh không, làm vấn vương trời chiều
Buồn vui trong cõi phiêu diêu
Thơ yêu bay với cánh diều đời em.
Xin em giữ cặp môi mềm
Trái tim và những nỗi niềm riêng anh...
Những lênh đênh, những chông chênh
Gửi theo tiếng mõ, tiếng kinh, nguyện cầu... !


Ni cô Mai Trinh trong chùa Bửu Thanh Tự

Nhà sư Thích Thiện Hữu trụ trì chùa Bửu Thanh Tự
chụp ảnh cùng mẹ đẻ Mai Trinh
( Đây là mẹ đẻ và con trai )



Em mà xuống tóc đi tu
Anh xin mua lại cả sư lẫn chùa

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Trích truyện ký MỘT ĐỜI NHÌN LẠI

NHỚ LẠI NGÀY ẤY

Ngày 5 tháng 8 năm 1964

Ngày 5-8-1964 , tôi Lương mạnh Hải là đài trưởng một đài Vô tuyến điện của Tổng trạm Thông tin Quân Khu Đông Bắc.Hôm ấy,đến phiên Hải trực đài canh phòng không báo động Quốc gia, Huấn bạn cùng tổng trạm với Hải, trực đài canh Tác chiến. Buổi sáng rất nhiều tin cho thấy tần suất máy bay địch xuất kích ngày hôm nay là cao hơn mấy ngày trước và hầu như liên tục. Khi Hải vừa nhận được tin có 3 tốp máy bay Mỹ bay vào cửa Văn Úc, Lạch Trường theo hướng Hải Phòng, Quảng yên…thì Hải đã nghe thấy âm thanh xòan xoạt như người ta kéo tôn trên nền xi măng…tiếp theo là tiếng súng 12 ly 7, tiếng đạn pháo, tiếng rít của tên lửa…Hải nhìn sang bên máy bạn Huấn đã thấy Huấn ngồi chúi xuống bên cạnh bàn máy, Huấn vẫn không rời cát tai nghe vẫn làm nhiệm vụ giữ liên lạc với máy bạn.. Còn Hải không phải là không sợ, nhưng tình huống quá nhanh Hải đang tập trung vào nhận tin điện từ đài của Trung ương ở Hà Nội báo động để chuyển sang Ban Tác chiến, nên Hải vẫn ngồi nguyên trên ghế đài canh…khi nhìn ra phía biển Bãi Cháy, Hải thấy từng tốp máy bay giống như những cải vỉ ruồi rất to, nối đuôi nhau. Hải có cảm giác như nó gần sát mặt biển, dưới cả dường dây điện từ bên này Bãi Cháy sang bên Hồng Gai. Có thể do chỗ Hải ngồi trên địa hình cao hơn mặt biển rất nhiều, nên bị ảo giác như máy bay bay sát gần mặt nước…Hôm ấy máy bay bắn phá vào Trạm điện thoại của Bưu điện do điện thoại viên Vi Thị Mến trực ở Bưu điện Bãi cháy.Tổng trạm thông tin của Quân khu và cơ quan Quân khu an toàn, ngoài vòng bom đạn của không quân Mỹ trong ngày hôm ấy. Hai bên đầu phà bãi Cháy thì thiệt hại nặng nề hơn…
Ngay chiều hôm đó đài, báo đưa tin quân và dân Quảng Ninh, quân và dân miền Bắc đánh thắng trận đầu, bắn hạ 8 máy bay, bắt sống một phi công Mỹ, nhịp sống hối hả, nhưng có vẻ trật tự hơn, mọi người gần gũi, yêu thương và quan tâm đến nhau hơn… Mấy cô mậu dịch viên, mấy cô ở cửa hàng lương thực, thực phẩm, mọi ngày hách dịch, cửa quyền…hôm nay vui vẻ, cởi mở hơn, nhất là với mấy anh, mấy chú bộ đội. Cánh lính kháo nhau, vừa được xem mặt tên phi công E Vơ Rết bị ta bắt sống ở Hà Tu, đang giải về Quân Khu để đưa về nơi hỏi cung. Sau khi thay ca đài canh, Hải tranh thủ ra phía đường có Ê Vơ Rết đi qua….Tên phi công Mỹ còn rất trẻ, đôi mắt hắn lấm nét, sợ hãi, như co rúm người lại…trông thật tội nghiệp…Mọi người hô: Đả đảo đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc.Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam…
Tối hôm đó Hải viết bài thơ:

TRẬN MỒNG 5 THÁNG 8

Đất trời đang bình yên
Bỗng ầm ầm rung chuyển
Từng bày quạ sắt lồng lộn, đảo điên
Như xé trời, rạch đất…
Quảng Bình, Vinh, Thanh Hóa
Cùng quân và dân vùng Đông Bắc ra quân…
Thế trận đã sẵn sàng
Đường đạn ta bủa vây thành lưới trời, bão lửa
Vít cổ “Thần sấm”, “Con ma”…
Tám máy bay Mỹ tan xác
Phi công giặc đứa chết, đứa hàng
Thằng E Vơ Rét còn trẻ măng, lầm lũi
Lủi thủi, ngậm ngùi lê bước
Hãi hùng trong tiếng thét đả dảo của dân…
Hoan hô các chiến sĩ Phòng không
Hoan hô lực lượng tự vệ, dân quân
Hoan hô các chiến sĩ Thông tin
Đã tiếp nối đường dây, cánh sóng
Một trận hiệp đồng tuyệt đẹp
Cho quân và dân ta thắng Mỹ trận đầu
Trên bàu trời miền Bắc hậu phương
Trên bàu trời Tổ Quốc yêu thương !

Viết tại đài canh Phòng không báo động Quốc gia
Tổng trạm thông tin Quân khu Đông Bắc ngày 5-8-1964
Thơ đăng báo Quân Bạch Đằng

Sau khi máy bay địch rút, Tổng trạm được lệnh tìm địa điểm sơ tán. Trong phương án 1, tình thế chưa căng thẳng, Tổng trạm Vô tuyến điện sơ tán về thôn Vạn Yên xã Việt Hưng huyện Hoành Bổ tỉnh Quảng Ninh. Hải được chỉ định đi cùng Chính trị viên Chu Bính, cùng đại đội phó Hà Sĩ Túc, anh Túc trợ lý Vô tuyến điện trên phòng Thông tin, mới được Bộ tham mưu chỉ định về làm đại đội phó đại đội Tổng trạm Thông tin. Hải chịu trách nhiệm chọn địa điểm đặt đài, đặt la bàn xác định hướng mắc ăng ten, vị trí hầm cho máy, hầm và lán tạm cho người…Thực ra đối tượng liên lạc cụ thể, các đài vị trí ở đâu; đảo nào, ở hướng nào, lúc này Quân khu có gần 30 đối tượng liên lạc, gần mười đài ở các Biển Đảo…Hải nắm chắc như đường vân trong lòng bàn tay mình.Việc đưa đài vào rừng rậm, xen kẽ núi sẽ rất phức tạp, khó lường hết các vùng điếc, tức là vùng sóng trời không qua, sóng đất không tới, nếu không được thử sóng, không có kinh ngiệm, việc liên lạc sẽ rất khó khăn. Lúc này rừng Hoành Bồ gần như là các khu rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp, chỉ có những đường mòn người đi củi , đi săn thú, thực ra dân ở đây rất thưa thớt. Sau khi đi một vòng, vừa đi vừa bàn bạc, trao đổi, anh Chu Bính, anh Túc nhất trí với phương án Hải nêu ra, các đài ở theo hình sao, tổ nguồn điện , tổ thu phát công điện cùng Ban chỉ huy Trung đội nằm ở giữa năm cánh sao…Phương án di chuyển chia làm hai bước, bước 1 tạm đóng quân nhà dân vừa triển khai đài giữ liên lạc với Bộ và các đơn vị, vừa bố trí một lực lượng triển khai các trạm đặt đài trong rừng. Những ngày này cường độ làm việc của cán bộ, chiến sĩ rất cao. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn, nhưng ai nấy đều vui vẻ, hăng hái. Anh em làm việc bất kể giờ giấc … đang nửa đêm, có điện, báo vụ, quay viên phải dạy làm . Mỗi kíp trực thường phải ba người, một báo vụ và hai quay viên. Khi nào thiếu người, quay viến mới trực một người…Có thời kỳ khó khăn, thiếu quay viên, báo vụ thay nhau làm quay viên. Số chiến sĩ tuyển vào làm quay viên, văn hóa thường chỉ hết cấp I, cấp II…Lần đầu đơn vị đóng quân nhà dân, mỗi đài ở trong vài ba nhà, gồm nơi nghỉ, nơi triển khai đài, nơi đặt trạm thu phát công điện. Việc quản lý quân số, quản lý những vấn đề quan hệ của cán bộ, chiến sĩ với dân rất tế nhị, phức tạp … phải nắm chắc thông tin thường xuyên, liên tục. Đơn vị của Hải là đơn quyết thắng, nên những vấn đề kỷ luật quan hệ quân dân, Hải luôn động viên nhắc nhở anh em theo phương châm “Đi dân nhớ, ở dân thương, không đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân”…
Ban chỉ huy trung đội Vô tuyến điện cùng các cụm điện đài di chuyển lên vùng Hoành Bồ, trung đội Hữu tuyến, trung đội Thông tin Chuyển đạt và Đại đội bộ vẫn ở lại khu Chỉ huy cùng cơ quan Quân khu ở đồi cao Bãi Cháy( nơi tỉnh đội Hồng Quảng cũ ). Sau trận 5-8 địch tăng cường đánh phá các cây cầu dọc đường 1 như cầu Đò Lèn, cầu Hàm Rồng, cầu Vĩnh Thủy và các vùng trọng điểm Quân khu 4. Bộ vẫn nhận định: thế nào Mỹ cũng đánh phá trở lại các vùng mỏ Hà Tu, Hà lầm , Hồng Gai, Bãi Cháy…
Đúng như nhận định của Bộ , cuối tháng 8 ,đầu tháng 9, Mỹ cho nhiều tốp máy bay đánh phá Hà Tu, Hà Lầm. Sơn Dương, Bãi Cháy. Đặc biệt trong hai ngày 9 và 10 tháng 9 máy bay Mỹ thả bom trúng chỉ huy sở của Quân Khu ở Bãi Cháy. Hầm tổng đài của Tổng trạm bị sập, hai chiến sĩ Trần văn Thỏa và Lại Quang Tham hy sinh. Chính trị viên Chu Bính lệnh cho Trung đội trưởng Lương Hải cho hai bộ phận , một bộ phận theo xe máy bộ đàm do Lương Hải phụ trách chạy ngay về Sở chỉ huy đưa tử sĩ và chiến sĩ bị thương về Tram Quân y, một bộ phận do Trung đội phó Mai Ích Nho chỉ huy quân số đông hơn, chạy hành quân bộ từ Yên Hưng Hoành Bồ về Sở Chỉ huy tại Bãi Cháy cứu sập hầm và cùng với anh em ở Sở Chỉ huy củng cố đơn vị. Không khí đơn vị như ở mặt trận, làm việc không kể giờ giấc, ăn ngủ thất thường… Ai nấy đều tập trung cao nhất cho nhiệm vụ.
Chặng đường từ Yên Hưng Hoành Bồ về Bãi Cháy khoảng 18 cây số, mà anh em chạy bộ hơn một tiếng rưỡi đồng hồ đã đến nơi. Quang cảnh đơn vị đổ nát, tiêu điều, nhà chính của hầm tổng đài bị xan bằng, phía trái còn góc tường nham nhở. Xác đồng chí Tham, đồng chí Thỏa, còn bọc vải, đắp chiếu, quàn tại nhà đọc sách của đơn vị. Thỏa bị bom ép, người xẹp lại. Tham bị phạt mất toàn bộ phần từ nửa bụng xuống, đùi và chân văng ra chỗ khác tìm mãi mới thấy và lắp vào cũng không nguyên vẹn.... Bị thương trong trận ấy còn có Nguyến Bá Ngọc, anh bị mảnh bom văng vào gót, đứt gân chân, sau này đi như người thọt. Ngay sau đó Hải được phân công đi cùng anh Ngô Phú Sương thiếu úy, Chính trị viên phó Đại đội, anh Sương mới nhập ngũ cùng đợt các cán bộ xã được điều động vào Quân đội, học bồi dưỡng 3 tháng rồi phong hàm Sĩ quan…danh nghĩa là anh Sương phụ trách, thực ra toàn bộ việc liên hệ với Đội điều tri 201, lo thủ tục an táng và giải quyết chế độ chính sánh cho hai tử sĩ lúc ở trạm, cũng như về địa phương đều do Hải cùng mấy anh em là Trữ, biệt danh là Trữ đầu to và Tín, thư sinh, một bạn nữa tên là Tiếp, đi cùng, đảm nhận. Anh Sương là người rất nhát, sợ những việc đụng chạm đến xác chết. Mà anh sợ thật, khi tiếp xúc với xác tử thi, mặt mày anh tái mét, người co rúm lại…Hải đành bảo : Anh cứ đứng ngoài kêu anh em …để tôi trực tiếp xử lý các việc. Lúc ấy Hải mới 25 tuổi, anh Sương đã 30. Trạm quân y 201 đóng ở Sơn Dương, cách thị trấn Chới huện lỵ Hoành Bồ mấy cây số.Thực ra gọi là Trạm nhưng nhà toàn là các lán tạm, sơ sài, Đến lúc trời tối, Hải cùng mấy anh em ngồi bên tử sĩ canh một đêm, sáng hôm sau mới làm các thủ tục theo chế độ chính sách, đánh dấu mộ chí…. Hầu như trong đêm đó anh em thức trắng bên anh Tham, anh Thỏa. Lần đầu mới thấy người chết do bom đạn, mà không còn nguyên thi thể, nhưng không hiểu sao, lúc ấy Hài không sợ, Hải chỉ tâm niệm bạn mình đang nằm đó…Từ chỗ Hải nằm đến chỗ để Thỏa và Tham nằm đâu có xa, chỉ cách vài mét.Hải bố trí năm anh em nằm theo vòng tròn quanh Tham và Thỏa, để phòng con cáo, con trồn, cả hổ báo nữa, nơi này còn là rừng nguyên sinh, rậm rạp hơn rừng Hoành Bồ…nhỡ con gì đến phạm vào các anh thì thật tội , có lỗi với các anh và với đơn vị. Ngủ đêm bên xác Tham và Thỏa hôm đó có anh Sương, Hải, Trữ, Tiếp và Tín…( gần đây Hải đã gặp lại Trữ, Tín, còn anh Sương và Tiếp chưa gặp lại được)
Sáng hôm sau, phần tắm rửa thuốc thang bảo quản thi thể do anh Tuệ, anh An nhân viên chuyên môn của trạm 201 làm, anh Sương cùng Hải đi chọn áo quan, làm giấy tờ gửi về địa phương để sau làm lễ truy điệu cho các anh. Cả hai bạn Thoả và Tham đều còn trẻ, mới qua tuổi 20 , chưa có gia đình, nhà Thỏa có 2 anh em trai, một chị gái, còn Tham là con trai duy nhất trong nhà . Tham còn chị và em gái ở với mẹ.
Mộ Trần văn Thỏa, Lại Quang Tham được anh Sương, Hải cùng tram Quân y 201 đặt tại một bãi đất bằng trên đồi Sơn Dương. Trong lúc làm lễ an táng vẫn có tiếng máy bay đich, có những loạt kẻng báo động, đa số anh em còn trực chiến làm nhiệm vụ trên đơn vị. Nghi lễ tuy giản đơn nhưng trên mộ hai anh vẫn có hoa rừng, có súng bắn chào tiễn biệt, có bà con trong thôn xóm lân cận, anh chị em, bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện đưa tiễn
Lần đầu có người lính chết ngay trên quê hương mình, trong trận đầu đảnh trả máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc …nên bà con, đồng đội rất thương tiếc, đau buồn nhưng không bi lụy. Khác với các lần truy điệu các liệt sĩ báo tử từ chiến trường, chỉ có quan tài giả tượng trưng…lần này có người con bằng xương, bằng thịt, mới ngày nào nhập ngũ, tươi cười vẫy chào tạm biệt mọi người, nay các anh im lặng nằm đó trong quan tài phủ Quốc kỳ…cái chết, sự hy sinh đã hiển hiển trước mắt họ…Nhìn mặt mọi người lô rõ vẻ thương đau , nhưng vẫn ẩn dấu một ý chí sẵn sàng đối mặt với những gì đang cần họ và chờ họ…
Tổng kết các đợt công tác phục vụ chiến đấu qua hai lần máy bay Mỹ đánh vào Bãi Cháy và chỉ huy sở Quân khu Đông Bắc, đơn vị của Hải được tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng, Riêng Hải được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng hai năm liền .Cuối năm 1965 Quân Khu tổ chức Đại hội Thanh niên Quyết thắng toàn Quân khu, Hải được thay mặt đơn vị và Đoàn thanh niên đi dự Đại hội và báo cáo điển hình tại Đại hội ( Sự kiện trên đã được ghi trong lịch sử Bộ đội Thông tin Liên lạc từ dòng thứ nhất đến dòng thú 6 trang 337…)
( Do khuôn khổ, trận mồng 5 tháng 8 chỉ là một lát cắt trong cuộc đời gần 40 năm trong quân ngũ của Hải, nên chỉ ghi những nét chính và những sự kiện quan trọng, hơn nữa đã hơn 50 năm qua, có nhiều người, nhiều sự kiện, đã bị bụi thời gian làm mờ dần, chỉ còn nỗi nhớ, tình yêu thương với đồng đội là còn lại...hy vọng dịp khác Hải kể tiếp)

Trích trong truyện ký " Một đời nhìn lại " của Lương Toán ( Lương Mạnh Hải)

Sâu đây là mấy ảnh, chàng lính trẻ ngày ấy và bây giờ 50 năm sau.



Trong vườn hoa Đà lạt 2013

Nhà thơ Lương Toán - Phó chủ tịch thứ nhất CLB Thơ Công nhân
Chi hội Nhà văn Công nhân -- Hội Nhà văn Việt Nam


Người sĩ quan trẻ của 50 năm trước
trong trận ngày 5-8-1964 tại Bãi Cháy, Quảng Ninh
25 tuổi

Người sĩ quan cao cấp của Binh chủng Thông tin
Quân đội nhân dân Việt nam
Ảnh chụp1992

52 tuổi

Ảnh tác giả cùng giáo sư Nguyễn Lân Dũng,nghệ sĩ nhân dân Trần Xuân Thủy
Nguyễn Vĩnh Tuyền (Bố của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến)

10 cháu nội ngoại luôn bên ông

Tác giả của nhièu tập thơ và nhiều ca khúc phổ nhạc từ thơ của tác giả
Ảnh tác giả hiện nay.
75 tuổi

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

TẢN VĂN

NGƯỜI TỬ TẾ QUA MẮT TRẺ THƠ

Một chiều ông Hoàng cùng cu Tùng, cháu nội của ông dao chơi trong công viên, bất chợt cu Tùng hỏi ông:
- Ông ơi, thế nào là người tử tế hả ông?
- Người tử tế là những người nhân hậu luôn thương yêu con người, sẵn sàng giúp đỡ người khác...Ông Hoàng trả lời cu Tùng .
- Thế ông B hàng xóm nhà mình có phải là người tử tế không ông?
Bị cháu hỏi đột ngột, ông Hoàng do dự một lát , rồi nói với cháu:
- Ờ ...nhìn chung ông B cũng là người tử tế.
- Là người tử tế sao ông B hay đánh chửi bà B, ông còn hay vứt rác thải qua ngõ nhà mình?
Ông nội...ờ ờ...người ta có lúc sao nhãng một chút cháu ạ...!
Cháu nội hỏi tiếp:
- Thế bố mẹ cháu có phải là người tử tế không ông?
- Bố mẹ cháu là người tử tế. Bố mẹ cháu biết hiếu thảo với ông. Nuôi dạy chăm sóc , hết lòng thương yêu cháu. Ông nội vui vẻ nói với cháu mình.
- Cháu thấy mẹ cháu tử tế hơn bố cháu. Vì mẹ cháu dịu dàng, chiều chuộng cháu.Còn bố cháu thỉnh thoảng nhậu về say xỉn, còn đe đánh, có lúc nói bậy với cháu ông ạ. Theo cháu thì mẹ cháu tử tế hơn bố cháu.
Trước lời lẽ hồn nhiên, bộc trực của cu Tùng, ông Hoàng ngạc nhiên, có phần bối rối thực sự. Ông giải thích cho cháu nôi:
- Bố mẹ cháu đều là người tử tế. Có điều bố cháu là đàn ông , còn có thú vui bạn bè, đôi khi quá chén...chứ bố cháu cũng luôn yêu thương quan tâm cháu, như mẹ cháu. Có những điều mẹ cháu là phụ nữ không làm được, như khi đi công viên, bố cháu công kênh cháu lên vai, làm cho cháu cao hơn mọi người ...
- Ông nói thế cháu hiểu rồi. Bố cháu cũng tử tế như mẹ cháu.
- Ông nội ơi, cô giáo cháu có phải là người tử tế không ông? cu Tùng đột nhiên hỏi ông.
- Cô giáo cháu phải là người tử tế mới dạy bảo được các cháu chứ.Ông nội nói với cu Tùng.
- Người tử tế phải hết lòng, vô tư giúp dỡ người khác. Sao cô giáo cháu còn nhận tiền biếu của học trò. Bố mẹ bạn nào năng đến thăm cô, cô quan tâm nhiều hơn các bạn khác. Có bài kiểm tra, cháu cho thằng Thắng chép bài của cháu từ đầu đến cuối...thế mà cô giáo cho nó điểm 8, còn cô chỉ cho cháu 6 điểm.
- Cuộc sống thực, còn nhiều điều lớn lên cháu mới hiểu hết được...Còn đã là cô giáo, thày giáo phải là người tử tế mới dạy bảo được học trò. Cháu hãy tin lời ông.
- Làm người tử tế có khó không ông? Tùng hỏi lại ông.
- Câu hỏi của cháu hay đó. Để trở thành người tử tế, khó cũng không khó lắm đâu, Nhưng bảo dễ, thì không dễ đâu cháu ạ. Muốn làm người tử tế, trước hết phải biết thương yêu , nhường nhịn người khác. mà đã nhường nhịn người khác, mình chịu thiệt hơn người ta.. Cũng như bạn muốn chơi đồ chơi của cháu, mà cháu cũng đang thích chơi, cháu biết nhường cho bạn chơi, cháu phải thiệt thòi...như thế cháu đã ứng xử như người tử tế đã ứng xử...Nói thì dài lắm, sau lớn lên cháu sẽ hiểu...Nhưng từ xưa tới nay, người tử tế thường phải chịu thua thiệt, đôi khi cuộc sống sẽ vất vả hơn, nhưng lòng họ được thanh thản, góp phần làm cho đời sống xã hội thêm nhiều ý nghĩa, con người yêu thương, che chở con người nhiều hơn.Nhiều người, đã một thời là người tử tế, sau thấy xã hộ bon chen, tranh giành, họ muốn làm người tử tế...nhưng rồi phải từ bỏ, vì miếng cơm manh áo của gia đình con cháu mình...Thế mới biết làm người tử tế có dễ đâu cháu. Ông Hoàng nói với cháu mà như nói với chính mình, bao năm ông đã chọn cách sống làm người tử tế, nên đời ông thua thiệt nhiều thứ, nhưng ông là người giàu có về bạn bè, về tình người, con cháu luôn vui vẻ ấm áp bên ông.
- Theo cháu thì ông là người tử tế nhất trong những người tử tế. Vì ông thương yêu quan tâm cả bố mẹ cháu, quan tâm chúng cháu...mà ông chẳng bắt bố mẹ cháu làm cái gì riêng cho ông. Bạn bè của ông rất yêu quí ông ,hay đến nhà mình chơi và cho cháu quà...Tùng vô tư nói về ông nội.
- Người tử tế trên đời này nhiều lắm cháu ạ. Mai kia lớn lên đi nhiều, biết nhiều, cháu sẽ gặp được những người rất tử tế hơn ông nhiều. Ông Hoàng nói như để kết thúc câu chuyện của hai ông cháu.
- Mai kia lớn lên cháu sẽ làm người tử tế như ông bà, như bố mẹ cháu . Cu Tùng nói như hứa với ông.
- Ngay từ bây giờ cháu học hành chăm ngoan, nghe lời thày cô, nghe lời ông bà, bố mẹ, lễ phép với người bề trên, người cao tuổi, cháu đã là người tử tế theo độ tuổi của cháu rồi. Ông Hoàng xoa đầu cu Tùng...Cháu ngoan lắm...Bây giờ ông cháu mình đi ăn kem nhé.
Đi bên cháu trong một buổi chiều, trời đã nhạt nắng. Những luồng gió mát từ phía sông Hồng thoang thoảng đưa về, làm dịu đi cái oi nồng từ trưa hè còn rớt lại, lòng ông Hoảng thư thái, thanh thản lạ thường...

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

GIAO LƯU CÙNG NSND TRẦN VĂN THỦY

CÁC BLOGER GẶP NSND TRẦN VĂN THỦY TÁC GIẢ HAI BỘ PHIM TÀI LIỆU NỔI TIẾNG HÀ NỘI TRONG MẮT AI VẢ NGƯỜI TỬ TẾ.

Sáng 20 tháng 7 năm 2014, Tại Hà Nội, đông đảo các BLOGER ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận đã về gặp mặt và giao lưu với NSND Trần văn Thủy về hai bộ phim tài liệu nổi tiếng một thời: Hà Nội trong mắt ai và Người tử tế.
Sau khi Bloger Lưu Quốc Hòa làm các thủ tục, Giáo sư Nguyễn lân Dũng , người thày, người anh, người bạn của rất nhiều Bloger đã lên phát biểu chào mừng và nêu những vấn đề chính để mọi người có thể đặt câu hỏi để Nghệ sĩ Nhân dân, Đạo diễn Trần văn Thủy trả lời và nêu về quá trình làm hai phộ phim.Sau hơn 3 giờ nghệ sĩ vừa gải đáp, mạn đàm trao đổi, các Bloger phát biểu cảm nhận, đọc thơ về các chủ đề trên.Mọi người rất vui về sự có mặt của bà Nguyễn Hồng Thư phó gám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt nam cùng biên tập viên Thanh PHương.
Từ ngày ra mắt, đến nay đã hơn 30 năm, bây giờ xem lại. mọi người vẫn như thấy những vấn đề đặt ra còn đang hiện hữu ở đâu đó, cần có lời giải đáp. Người tử tế không bao giờ vắng mặt trong cuộc sống của chúng ta, ở điạ phương nào, ngành nào, lứa tuổi nào, lĩnh vực nào đều có. Chỉ có điều, người tử tế thường hay ẩn mình vào đâu đó, lặng lẽ làm việc ,lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ giúp đỡ người khác mà không khoa trương, không cần nổi danh, hay mưu cầu riêng một lợi lộc nào. Những người tử tế thường có số phận trắc trở và thiệt thòi trong cuộc sống., nhưng họ vẫn thanth thản chấp nhận và bằng lòng với mình.
Lương Hải rất may mắn được các bạn Lưu Quốc Hòa, Hà Phương, Nguyễn Quân , Quế Hằng cùng thông báo và đăng ký danh sách với ban tổ chức.Lương Hải được mời phát biểu và đọc thơ.Lương hải nói ngắn: Cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Bloger Lưu Quốc Hòa đã có sáng kến cho anh em bloger có dịp gặp và giao lưu cùng Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Trần văn Thủy. Anh Thủy đã nghĩ cùng những điều mọi người đang nghĩ, đang trăn trở. cảm ơn anh Thủy đã nói được những điều nhiều người muốn nói, nhưng chưa dám nói, hoặc chưa có điều kiện nói. Anh như một cánh chim báo bão, rất cần và rất quí cho cuộc đời này. Cũng như anh chúng tôi tin tưởng Dân tộc Việt là một dân tộc tử tế, sẽ sản sinh ra những đứa con tử tế nhiều hơn những đứa con hư hỏng. Tôi xin tặng mọi người bài thơ :

CẢM TÁC VỀ PHIM HÀ NỘI TRONG MẮT AI

Tặng NSND Trần Van Thủy

Hà Nội trong mắt ai
Bộ phim như một bài thơ
Nhiều hình ảnh, âm thanh
Một bức tranh có thơ, có họa.
Như tất cả những gì lòng ta muốn nói
Ngàn câu hỏi ,mà ta muốn lặng im...
Không giải đáp, nhưng mọi người đều hiểu.
Cho ta càng thêm yêu
Mỗi con đường, căn nhà ta đang sống
Cho ta thêm hy vọng, niềm tin
Về một Hà Nội trái tim Tổ Quốc
Về người Hà Nội thanh lịch, hào hao...!

Sau đây là một vài hình ảnh về cuộc gặp mặt





















 —

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

MỘT ĐỜI NHÌN LẠI

CHỊ TÔI

Truyện ký

Mẹ tôi thường kể cho chị em tôi, chúng tôi có 8 người anh chị em. Anh cả Lương văn Khiết, anh chết bỏng vì nồi canh cua, năm anh lên 9 tuổi. Ông họ tôi nói: thằng Khiết nó đẹp như Tây , mắt sáng, mặt mũi phương phi, màycũng đẹp nhưng thấm gì với nó.Em gái sau tôi là Lương Thị Thuyết cũng chết vì nhiễm trùng do bỏng, năm em 11 tuổi. Tôi còn nhớ hình ảnh em, lúc em bước vào đống trấu, phía dưới lửa đang đỏ rực, phía trên phủ tro mỏng lên mà em không biết. Em đinh với lên bắt một con nhện để nướng ăn, chữa bệnh đái dầm...Sau đó em bị nhiễm trùng máu rồi qua đời. Ngày ấy, nhà tôi có ai hiểu gì về thuốc đâu. Bố tôi qua đời, lúc ông còn trẻ, chưa đến 40 tuổi.mẹ góa bụa, bà không biết chữ. Còn một em trai, con mẹ tôi, một em gái con dì tôi, đều chết lúc các em vừa sinh ra...Ngày xưa cảnh hữu sinh,vô dưỡng là chuỵện xảy ra ở nhiều gia đình, nhiều địa phương. Nói thêm một chút, tại sao là con dì mà tính là anh em của tôi. Vì mẹ tôi và dì tôi đều lấy bố tôi...? Tôi không hiểu tại sao mà ông bà ngoại tôi lại gả cả hai người con gái cho bố tôi? Nói về vẻ đẹp,mẹ tôi đẹp hơn dì tôi , nói năng,giao tiếp của bà rất thuyết phục. Dì tôi trẻ hơn mẹ tôi 6 tuổi. Ông bà ngoại tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Mẹ tôi là lớn, sau đến cậu Biên, cậu Binh, rồi đến dì tôi. Tên dì là Tình. Mỗi người kém nhau 2 tuổi. năm bố tôi bị bệnh mất, mẹ tôi mới 30 tuổi, dì Tình lúc ấy mới 24 tuổi.Dì ở với mẹ tôi, vài năm sau, dì tái giá cùng ông Thốn bên xã Trung Hưng ,Chú dì sinh hạ được 3 người con gái. Tôi và và các chị tôi coi các em như nười ruột thịt trong gia đình.
Sau khi bố tôi qua đời, dì tôi tái giá, nhà tôi lúc ấy có mẹ tôi và 3 chị em tôi.Chị Lương Thị Thanh sinh năm 1934, chị Lương thị Thùy sinh năm 1937, tôi là em út, cậu ấm trong nhà như các chị tôi vẫn trêu .Tôi sinh năm 1940. Lúc ấy là thời loạn. các làng quê xen kẽ, có nơi Pháp chiếm đóng bốt, lập tề. Có nơi là vùng du kích, có chính quyền hai mang, vừa ủng hộ kháng chiến, vừa phải làm theo những điều mà chính quyền cai trị Pháp yêu cầu. Quê tôi là làng Tử Dương,xã Lý Thường Kiệt, chỉ cách bốt Lực điền 1 cây số, cách xã Quang Trung, xã Quảng Lãng huyện Ân Thi,là vùng du kích, vùng tự do hơn 1 cây số.
Quê tôi ở bên cánh đồng Tam Thiên mẫu, nghĩa là hơn 3 ngàn mẫu ruộng.. Mỗi trai đinh đến tuổi 18 được cấp 2 mẫu 1 sào , gọi là ruộng công điền. Nhà nào 4 con trai, được hơn 8 mẫu 4 sào ruộng...Nhà tôi chỉ có 2 gái ,một trai là tôi còn chíp hôi, nên hoàn toàn không có ruộng công điền, mà chỉ có 3 sào10 thước ruộng tư điền của ông bà tôi để lại, ở khu vực Ao cả. Mẹ tôi vẫn cấy lúa dự ỏ đây. Gạo dự thổi cơm ăn rất thơm ngon và dẻo.
Trong hoàn cảnh mẹ góa, con côi, mẹ tôi tần tảo, bươn chải, nuôi 3 chị em tôi lớn lên. Chị Thanh, chị cả trong nhà, được bố tôi chăm sóc, chiều chuộng và cho đi học đến lúc bố tôi mất, chị cũng phải nghỉ học. Chị cũng đọc thông, viết thạo, làm được 4 phép tính. Chị Thùy không được đi học, vì hồi nhỏ chị nói ngọng, lớn lên qua giao tiếp, chị nói chuyện đã trở lại bình thường. Sau được học bình dân học vụ, rồi tham gia công tác, chị làm Chủ nhiệm hợp tác xã, Đảng ủy viên xã.Chức vụ cuối của chị là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ.
Hai chị gái của tôi đều đẹp người, đẹp nết, nên được trai làng đến dạm hỏi từ rất sớm. Chị Thanh được học hành, giao tiếp nhiều hơn, chị cũng là một người đẹp nổi tiếng trong làng, trong tổng hồi đó.Chị đã kết duyên cùng anh Đỗ Ngọc Khải, cháu ngoại cụ Chánh Triệu . Anh Khải rất đẹp trai, coi như là tiẻu trí thức ở trong làng thời đó.Sau anh chị đều bị bệnh, chữa chạy tốn kếm, kinh tế kiệt quệ. Khi chữa được cho anh đỡ bệnh thì chị lại ốm. Thời ấy thuốc men chữa những bệnh hiểm nghèo, đâu có được như bây giờ. Chị đã qua đời năm chị 32 tuổi.. Anh Đỗ Ngọc Khải lúc ấy mới 30 tuổi, kém chị tôi 2 tuổi.Anh thường nói với tôi, Anh sẽ nuôi các cháu trưởng thành, rồi anh mới lo việc của anh. Trước đây anh là dân thư sinh, có biết cày cuốc là gì đâu, sau anh chuyển sang nghề cắt tóc ,làm kế sinh nhai để nuôi con.Với hòm cắt tóc, anh đi hết thôn này, đến thôn khác trong xã, cắt tóc cho đủ mọi lứa tuổi, mọi hạng người.Anh có thế mạnh là anh kể chuyện Tam Quốc, Chinh Đông chinh Tây rất có duyên. Anh thuộc nhiều bài hát tiền chiến, nhiều lần tôi đã đánh đàn băng đô lin cho anh hát. Tuy là em vợ , nhưng anh quý tôi và yêu tôi còn hơn nhiều em trai của anh., vì chúng tôi hiểu nhau và cùng đam mê ca hát và truyện trinh thám..Anh qua đời năm anh 45 tuổi. Lúc ấy cháu Định con anh đang học lái máy bay ở kratsnođa Liên Xô cũ. Cháu Nghĩa đang công tác cùng tôi ở Trường sĩ quan Thông tin., cháu Minh, con trai út của anh, tôi đang làm hồ sơ cho cháu vào Trường sĩ quan Thông tin. Trước khi mất anh còn kịp vào thành phố Hồ Chí Minh dự lế cưới của con gái tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Cháu Đỗ thị Hồng Nghĩa kết hôn cùng Truơng Bình Minh là học trò của tôi ở Trường Sĩ Quan Thông tin..
Hai chị gái của tôi là người yêu quí em trai, có lẽ hơn mọi người chị gái trên đời này.Tôi nói thế có lẽ hơi quá, người chị gái nào cũng yêu quí em trai của mình,nhưng với chị tôi, sự yêu thương đó như là một niềm vui, sự hy sinh, tất cả vì em. Lúc ấu thơ đẫ đành, sau này tôi vào bộ đội, mỗi lần thấy tôi về phép, chị cùng mẹ tôi làm đủ các các thứ ăn ngon, bổ dưỡng cho tôi ăn như cháo lươn, cháo gà.chim câu hầm... Những thứ ấy ở nhà có khi cả năm, mẹ tôi và chị tôi không làm để ăn bao giờ. Khi lấy vợ cho tôi ,hại cũng bàn bạc, rồi quyết định tôi lấy ai, rồi chọn người cho tôi gặp gỡ. Vì hai chị biết tôi luôn thương mẹ và nghe lời hai chị. Người vợ đầu của tôi là do hai chị giới thiệu và tôi cũng ưng, chứ hai chị không hề gò ép. Chỉ có điều,ý của hai chị là lấy em về, để em chăm sóc tôi đến cuối đời, hai chị sợ tôi hồi nhỏ đau yếu, nên cần em khỏe mạnh, gánh vác thay tôi. Không ngờ em lại ngã bệnh lúc còn rất trẻ. năm em bỏ lại tôi và 4 đứa con thơ , lúc ấy em chưa đến 40 tuổi....
Từ ngày chị Thanh, chị gái cả của tôi mất, tôi chỉ còn mẹ và chị Thùy. Năm 1986, mẹ tôi qua đời,Đây là một mất mát lớn nhất và tác động mạnh nhất trong cuộc đời tôi...( tôi sẽ nói về sự kiện này trong một bài viết riêng) Từ ấy tôi chỉ còn chị Thùy là người thân duy nhất, còn lại ở quê. Tất nhiên họ hàng ở quê vẫn còn những người thâ thiết, nhưng ruột thịt, chỉ còn mình chị. Đã có lần tôi nói vui với chị : Em chỉ xin Trời Phật phù hộ cho em mạnh khỏe, để ngày chị "hai năm mươi"
em lo được cho chị là em hoàn toàn an lòng. Chị tôi cười và nói: Chưa biết thằng nào lo cho thằng nào...Tôi nói với chị, em mà lo được cho chị lúc về già thì mới gọi là thuận chứ...Được thế chị cũng vui lắm, Lúc bé cậu ốm yếu, bệnh tật, chết đi sống lại...Ai ngờ cậu sống đến bây giờ, hơn bảy chục tuổi rồi mà vẫn bảnh chọe, vẫn có gái theo...mà vẫn cô đơn...Tôi cười nói với chị, người ta bảo số em sát vợ. theo thì vẫn theo..nhưng em không dám lấy ai nữa....vì hai bà vợ đã bỏ em theo thày Đường Tăng qua Tây Trúc lấy kinh rồi.
Năm chị tôi 75 tuổi, các cháu con chị bàn với tôi, định mừng thọ cho chị, nhưng chị không cho làm. Chị bảo tốn kém vô ích, chờ trăm tuổi làm một thể. năm nay chị đã 78 tuổi. Chị tôi là người luôn lo xa, tính toán rất kỹ mọi điều trước khi quyết định một việc gì đó. Anh Nguyễn văn Sắt chồng chị, năm nay đã 81 tuổi. Anh là người lính, có vinh dự tham gia nhiều trận đánh lớn của quân đội qua ba thời kỳ. Anh có mặt trong chiến dich Điện Biên Phủ năm 1954, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, năm 1975. Anh trực tiếp có mặt trong chiến tranh biên giới chống quân bành trướng tháng 2 năm 1979 với chức vụ Phó chính ủy Ban chỉ huy quân sự của tỉnh Lạng Sơn. Thời kỳ của các anh về chế độ chính sách, nhiều mặt rất thiệt thòi.Anh về nghỉ hưu năm 1981 với quân hàm Đại úy. Với chức vụ của anh, phiên ngang ra như bây giờ phải là cấp đại tá.. Nhưng niềm vui lớn nhât của người lính chúng tôi là được cống hiến cho Tổ Quốc ...Mỗi lần tôi về quê, dù bạn bè mời, hoặc qua nhà con gái đầu, hay mấy chú em làm cơm, bao giờ tôi cũng phải về ăn với anh chị và các cháu con chị một bữa.Anh chị sinh được 4 cháu, hai trai, hai gái. Vợ chồng cháu Nguyễn văn Sơn,là con trai đầu ở cùng anh chị.Cháu Sơn học ở trường Trung cấp kỹ thuật thông tin, sau cùng công tác trong Bộ tư lệnh Thông tin với tôi, sau cháu chuyển công tác về huyện đội Yên Mỹ .Cháu Nguyễn Xuân Bằng,làm chủ một doanh nghiệp dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cháu Bằng từ một người thợ, tay không làm nên sự nghiệp. Cháu Thúy, chaú Thư, con gái của chị, lấy chồng và sống ở quê.Đời sống các cháu khá giả.
Tôi và chị Thùy đã có cháu gọi bằng cụ. Đấy là mấy đứa cháu con của chị Thanh . Chị cả được lên cụ, thì tôi và chị Thùy được lên cụ là đương nhiên.sắp tới, còn mấy cháu phong chúng tôi lên cụ nhiều lần nữa. Em cầu chúc cho chị luôn mạnh khỏe, để dạy bảo em , dạy bảo con cháu và vui cùng đại gia đình ta.
Tôi đăng kèm mấy bài thơ và ảnh về chị .

NHỚ CHỊ THANH

Xa chị bốn chục năm rồi
Mà sao nỗi nhớ chưa nguôi trong lòng .
Chi như cỏ nội, hương đồng
Chị như khúc hát bên dòng sông quê
Mỗi khi có dịp đi về
Em thường chậm bước trên đê làng mình
Ngắm thảm lúa, hàng tre xanh
Uống hụm nước giếng bên đình làng ta
Nhắm mắt tưởng tượng về nhà
Mong mẹ, mong chị chạy ra đón mình
Mẹ hiền hậu, chị tươi xinh
Phút giây hạnh phúc an bình đời em.
Ơi bao hình ảnh thân quen
Như vừa mới thấy, đã nên xa vời...
Chị " đi "bốn chục năm rồi
Hai thế hệ, bao cuộc đời đã qua
Con chị nên ông, nên bà
Quây quần cháu chắt đầy nhà gái, trai.
Nghĩ càng thương chị, chị ơi
Nửa chừng xuân,một cuộc đời dở dang
Hai tay em cắm nén nhang
Lời thơ hòa giọt lệ dâng chị hiền.
Chị sống mãi trong tim em
Và còn mãi trong trái tim mọi người
Ơi trọn vẹn một cuộc đời
Vì chồng con, vì những người thân yêu.
Hà Nội 19-4-2004


 Em nâng ly đã giót đầy
Xin mời chị cạn chén này cùng em
Buồn vui với bao nỗi niềm
Đầy vơi, chị đã cùng em một đời