Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Lời bình bài thơ TRĂNG LẠC

Nhà phê bình văn học NAM HÀ bình bài thơ TRĂNG LẠC của nhà thơ Lương Toán.
Đọc thơ của nhà thơ Lương Toán , ai cũng cảm nhận được thơ anh vết rất đa chiều. Ở thể loại nào người đọc cũng chọn ra được những bài đáng đọc, đáng nhớ. Trong thể thơ ngẫu hứng của anh có nhiều bài làm ta thích thú, có thể kể ra như: Nợ tình, giọt tình, Sợi tình, Ru tình, Oan tình..Về biển Đông có bài Nghĩ về hình Đất nước, Nhớ các chiến sĩ ở Đảo Gạc Ma.Hát cho đồng đội tôi nghe. Về nhân tình thế thái có bài : Ước gì sống lại thời còn Bác, Quan tham ông là ai...Đặc biệt Về trăng có Ngắm trăng, Chơi trăng, Nói chuyện với trăng. Trăng lạc. Riêng với Trăng lạc tôi cảm thấy thích thú, tương đồng, muốn nói đôi điều về bài thơ này. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có bốn câu, thể lục bát mượt mà, chuẩn mưc.Bài thơ như sau :
TRĂNG LẠC
Nửa vầng trăng rớt bên cầu
Nửa kia rơi... lạc vào câu thơ tình
Bên cầu trăng đứng một mình
Bên thơ trăng đã ngậm vành môi thơm.
Nói về trăng, các thi sĩ từ xưa tới nay đều đắm say, mộng mị, mê mẩn...
Nhà văn Nam Cao đã ví :
Trăng là liềm vàng
Trăng là đia bạc
Trăng là cái vú mộng cho các thi sĩ ngàn đời mơn man.
Nhà thơ Hàn MặcTử là một trong những thi sĩ nói nhiều đến trăng và cho trăng được vùng vẫy trong nhiều trạng thái của đời sống nhất như : Say trăng, Chơi trên trăng, Ngủ với trăng, Trăng tự tử. Hàn MặcTử có nhiều câu thơ để đời về trăng :
Trăng nằm sóng soài bên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi (bẽn lẽn ).
Có ai nuốt ánh trăng vàng ( Uống trăng )
Ta gặp nàng trăng ở suối trăng ( Chơi trên Trăng )
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả...( Say trăng )
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa kia ai cắn mất rồi...( Một nửa trăng.)
Và khi cao hứng Hàn mặc Tử còn bán cả trăng:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho...
Người đời và các Thi sĩ nghĩ cảm nhận về trăng khác nhau, Phạm Đức Nhị cho là trăng vuông . Tràn Đăng Khoa cho rằng trăng tròn như quả bưởi, như cái mẹt treo trên trời, các nhà thơ gọi trăng là chị Hằng.
Trạng thái của trăng tùy theo sức tưởng tượng của mỗi người cũng khác nhau: Trăng buồn, trăng khóc, trăng cười, trăng đỏng đảnh. Hình dạng của trăng cũng thế : trăng tròn, trăng hình bán nguyệt, trăng như lưỡi liềm, như cánh diều, như con thuyền.Mọi người đam mê với trăng : Nhà thơ Nguyễn thị Năm có tập thơ Thức đợị vầng răng .Nhà thơ Nguyễn thị Thanh Xuân đang in tập thơ Trăng vỡ...
Hình như trăng chỉ là cái cớ cho nhà thơ gửi lòng mình vào đấy tâm sự, rồi tùy hứng nhào lặn vầng trăng theo ý mình...
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trăng như người bạn chia sẻ với mình những ưu tư, suy đoán khi luận đàm thế sự :
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền...
Đại thi hào Nguyên Du dùng hình tượng vầng trăng xẻ nửa để nói lên tâm trạng của của đôi lứa khi phải xa nhau:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường...TK ND
Trong trăng lạc, nhà thơ Lương Toán hình như muốn giấu đi tâm trạng của mình, nên chỉ tả vầng trăng mình nhìn thấy như sự tình cờ :
Nửa vầng trăng rớt bên cầu
Nửa kia rơi...lạc vào câu thơ tình
Vầng trăng rớt bên cầu thì hình bóng rõ quá rồi. Ai đi chơi đêm trong miền quê trong những ngày trăng sáng mà không một lần nhìn thấy ánh trăng soi bóng nước dưới chân cầu. Hoặc ánh trăng mà cô gái quê đã múc đổ từ ruộng này sang ruộng kia:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ( ca dao )
Còn hình ảnh Nửa vầng trăng rơi lạc vào câu thơ tình...thì chỉ có nhà thơ, người làm công tác văn học nghệ thuật mới cảm nhận được sâu sắc... Nửa trăng đã soi gối chiếc, thì trăng rơi vào câu thơ tình là lẽ đương nhiên. Vì như Hàn Mặc Tử đã cảm nhận:
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi...( Bẽn lẽn )
Trong bài thơ ngắn chỉ vẻn vẹn có hai câu thơ Lục bát mà nhà thơ Lương Toán đã cho người đọc thấy trạng huống của vầng trăng : Trăng rớt, trăng rơi, trăng lạc, trăng đứng một mình và cái bất ngờ đến thú vị là trăng ngậm vành môi thơm.. Hình ảnh trăng ngậm vành môi thơm tác giả dùng quá đắt, quá tài tình, làm cho trăng như có hồn, trăng rớt, trăng lạc, trăng đứng...đến trăng ngậm vành môi...mà lại là vành môi thơm, vành môi của người con gái...thì làm cho người đọc bất ngờ, thích thú bởi sự lãng mạn, lẳng lơ và đỏng đảnh của vầng trăng.Tác giả đã thồi hồn ân ái cho vầng trăng. Vầng trăng đã có sức sống kỳ diệu như những đôi tình nhân.
Nửa vầng trăng rớt bên cầu
Nửa kia rơi....lạc vào câu thơ tình
Bên cầu trăng đứng một mình
Bên thơ trăng đã ngậm vành môi thơm
Bài thơ như một bức tranh thủy mạc vẽ cảnh trời đêm vằng vặc ánh trăng soi xuống mặt nước chân cầu lung linh huyền ảo, ở trên cầu có đôi trai gái đang tình tư, họ hôn nhau, ánh trăng như soi rõ nụ hôn của họ, họ hôn nhau như hôn cả ánh trăng như Hàn Mặc Tử từng thể hiện :
Có ai nuốt ánh trăng vàng ( Uống trăng )
Nàng trăng hãy mớm xuống hồn ta
Sức nóng trong hơi của ngọc ngà...(Uống trăng )
Một bài thơ Lục bát chỉ với bốn câu ngôn từ trong sáng, mạch lạc, nhịp điệu uyển chuyển như một tấm gương phản chiếu tâm hồn nhà thơ với tình, với cảnh, với thiên nhiên muôn màu, nghìn sắc. Xin cảm ơn nhà thơ Lương Toán về một bài thơ cảm đề rất thú vị Trăng rớt
NAM HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét