Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

XEM KỊCH ĐIỀU KHÔNG THỂ MẤT CỦA LƯU QUANG VŨ-ĐOÀN KỊCH NÓI QUÂN ĐỘI

    Tối ngày 10-9-2013, vợ chồng Quyên-Quyết mời mình đi xem liên hoan sân khấu về Lưu Quãng Vũ do Đoàn kịch nói Quân đội biểu diễn vở: Điều không thể mất tại rạp chiếu phim Đại Nam.
    Mấy anh em đến muộn , nên phải ngồi tầng lầu, xa sân khấu , nhìn người và cảnh không được nét. Đã mấy chục năm, kể từ ngày xem Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9...lần này mình lại trực tiếp xem Đoàn kịch nói Quân đội biểu diễn. Đã qua mấy thế hệ diễn viên, hơn nữa ngồi xa quá, chỉ nghe thấy tiếng nói, không nhìn rõ mặt người, nên cảm nhận phần nào hạn chế.
    Câu chuyện diễn ra ở một tổ đài bộ đàm Vô tuyến điện có 5 chiến sĩ gái do Nhâm phụ trách với một trạm giao liên có Trung đội trưởng Minh và chiến sĩ Thế Anh xuất thân từ một diễn viên đoàn văn nghệ của tỉnh. Mọi diễn biến chiến sự ở khu vực ấy tổ Thông tin 5 chị em và Minh,Thế Anh đều chia sẻ. Những lá thư của bạn bè gia đình từ hậu phương gửi cho 5 cô đều qua tay Minh và Thế Anh chuyển tới. Trong 5 cô thì 4 cô có thư đều đặn, còn riêng tổ trưởng Nhâm không hề có. Vì thương bạn, muốn chia sẻ với bạn, Minh thỉnh thoảng viết thư gửi cho Nhâm, nhưng lại lấy tên Thế Anh. Do tò mò và do thiếu thốn tình cảm, cả 5 cô lần lượt tìm đến trạm đã từng gửi những lá thư cho mình. Rồi Minh và Nhâm đem lòng yêu nhau. Minh vẫn cố nén tình cảm, giữ khoảng cách an toàn với Nhâm, bởi Minh nghĩ mình là chỉ huy phải gương mẫu. Ở chiến trường nơi hòn tên, mũi đạn, sống , chết chỉ cách nhau giây, phút. Họ khát khao được yêu và quyền được yêu. Nhâm chủ động hơn trong tình yêu. Mà khi người con gái đã chủ động, thì khó có người con trai nào giữ mình được, nhất là tuổi xuân của họ lúc nào cũng dâng trào, phơi phới, mãnh liệt. Nhâm và Mình đã tự nguyện dâng hiến cho nhau tất cả....Hẹn thề sẽ cùng tìm nhau khi chiến tranh kết thúc.
     Rồi Minh được điều ra miền Bắc đi học nước ngoài. Nhâm theo đơn vị đi sâu vào phía Nam. Sau một loạt bom 4 chiến sĩ gái hy sinh, còn mình Nhâm đau khổ vì thương các em, các bạn, nhớ người yêu.Một mình Nhâm đi tìm Minh, vừa đến nơi đoàn xe chở Minh đã chuyển bánh, họ còn gọi với nhau và lại hẹn sẽ tìm nhau sau này. Sau lần ấy Nhâm phục viên,  tham gia công tác ở địa phương, mai mối, chắp nối cho bao lứa đôi hạnh phúc, còn mình vẫn ép lòng đợi Minh ngày trở về. Thế Anh về lại đoàn. Vợ Thế Anh đòi ly dị để lấy một diễn viên đang nổi hơn ở trong đoàn. Do tuổi cao, nghiệp vụ hạn chế, anh chỉ được đóng vai phụ và làm các việc tạp dịch của đoàn.
     Minh đã tốt nghiệp khóa học ở nước ngoài. Lần theo địa chỉ đi tim Nhâm. Tình cờ ngồi chung trên một toa tàu cùng một thanh niên người cung làng với Nhâm. Người thanh niên tên là Quang, bạn học với Nhâm, về làng ý định hỏi Nhâm làm vợ. Là bạn cũ thời học sinh, nên Quang tin rằng nếu hỏi nhất định Nhâm sẽ lấy mình. Quang đã chuẩn bị sẵn quà tặng, bánh kẹo, thuốc để cưới Nhâm. Khi Quang gặp Nhâm, Quang đang khoe các món quà cưới, thì tình cờ Minh vừa đến đó, nghe được nội dung câu chuyện Quang nói với Nhâm, lòng Minh tan nát. Minh nghĩ Nhâm đã không giữ lời hứa với mình, Minh lặng lặng lùi lại rồi lên tầu về cơ quan. Thời gian sau Minh lấy vợ. Minh đã lên chức phó tổng giám đốc công ty.  Tổng giám đốc là người chuyên quyền, nhiều mưu lược, phe cánh cùng dây với cấp trên. Vợ Minh muốn Minh giữ vững ý chí và bản lĩnh của người lính, chị là người phụ nữ chu đáo, nhân hậu nhưng có ý chí vươn tới. Từ khi nghĩ rằng Nhâm đã phản bội mình, Minh thất vọng và như muốn buông xuôi, kể cả việc đấu tranh với cấp trên. 
     Quang bạn học cũ ngỏ lời yêu Nhâm, Nhâm tôn trọng và quý mến Quang, nhưng Nhâm từ chối vì Nhâm vẫn chờ Minh. Quang mang nỗi buồn ,rồi cũng lấy vợ. Một lần Thế Anh tìm đến quê Nhâm xin cho đoàn đến biểu diễn phục vụ bà con trong xã. Nhâm và Thế Anh gặp lại nhau. Nói đầy đủ sự tình là đã có lần Minh về tận quê Nhâm, tại sao hai người không gặp được nhau...Nhâm và Thế Anh bàn nhau sẽ đi tìm Minh, xem Minh sống thế nào.
     Nhâm tìm đến nhà Minh. Người đầu tiên Nhâm gặp là vợ Minh. Nhâm tự nhận là em họ xa của Minh đi thăm anh. Vợ minh biết ngay không phải em họ.mà là người yêu cũ của Minh. Vợ Minh vẫn bình tĩnh, điềm đạm chu đáo ân tình với Nhâm.Thực ra lòng chị cũng rối bời, tan nát. Bởi chị là người đến sau, chị tự xác định và chấp nhận mọi điều sẽ đến với mình khi Minh quyết định. Biết Nhâm chưa xây dựng với Quang, Minh xin nối lại với Nhâm, nhưng Nhâm từ chối. Chị nhận nắm cơm từ tay vợ Minh làm, rồi ra ga.
    Vợ Mình nói như thử lòng chồng : Nhâm vừa đi, anh đi theo chị ấy... nhanh lên còn kịp...Mình khoác ba lô chạy theo Nhâm.Vợ Mình chạy ra ga cùng chồng...Mình bỏ lại vợ đứng một mình ở sân ga, rồi chạy nhanh lên tầu. Khi Minh lên tầu đã thấy Thế Anh ngồi cùng Nhâm. Minh vẫn lên toa ngồi. Ba người lính cũ gặp nhau. Nhâm nói : Anh về đi, tiễn em thế đủ rồi. Thế Anh bỏ ra chỗ khác cho hai người nói chuyện...Vở kịch kết ở cảnh này.
      Nội dung, kết cấu câu chuyện mạch lạc, chặt chẽ. có sự bất ngờ. Lời thoại trong sáng, tuy có chỗ hơi cứng, nhưng nhìn chung hợp với tính cách nhận vật, hợp với lính và hoàn cảnh chiến trường.
Chi tiết đối thoại tán gẫu trên máy bộ đàm... với người bình thường thì đó là chi tiết vui, ăn khách. Nhưng với nghề nghiệp và qui định bảo mật thông tin là phạm qui tắc liên lạc. Trong nghành phải bị kỷ luật. Còn các chi tiết trong vở diễn, không biết do kịch bản tác giả thế, hay ý đồ của đạo diễn...Thực ra trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra. Minh hiểu lầm là Quang sắp cưới Nhâm, rồi lẳng lặng quay ra, rồi về lấy vợ. Minh không chờ để nghe Nhâm nói. Vì Minh và Nhâm không chỉ hứa hẹn xuông, hai người đã trao thân, gửi phận cho nhau rồi. Tình cảm của vợ chồng Minh là tốt. Vợ Minh là người phụ nữ chung hậu, đáng kính. Khi gặp lại Nhâm, cả kịch bản và diễn xuất chưa làm toát lên sự day dứt, tiếc nuối, khó phân xử giữa việc về với Nhâm hay ở lại với vợ...Khi vợ gợi ý là Minh khoác ba lô theo Nhâm ngay. Chi tiết này nông nổi, hạ thấp bản lĩnh, trí tuệ của người lính, của Minh và không hợp logich... Bản chất của người lính là luôn hy sinh, đem lại niềm vui cho người khác, cho người mình yêu, còn mình có thể bị thiệt thòi. Thực tế Minh đã ở với vợ , pháp luật công nhận 10 năm trời...mà nói bỏ sao bỏ ngay được. Hành động như Minh là bồng bột, nhất thời. Có thể cho Minh chạy theo Nhâm, nhưng chỉ chạy người không...Khi đã đeo ba lô chạy theo là đã tính toán, dứt khoát. Ở đây có thể đạo diễn Lê Hùng, hoặc tác giả Lưu Quang Vũ muốn để một khả năng mở, là ba người ngồi trên toa tàu, có thể để Thế Anh đến với Nhâm sẽ hợp lý hơn. Hai người cô đơn, đã là đồng đội, bù đắp cho nhau dễ chấp nhận hơn là bỏ một gia đình đang êm ấm với một người vợ chung hậu như vợ Minh. Nhưng tình yêu sẽ có ngàn lẻ một tình huống diễn ra. Nhưng để cho Minh khoác ba lô chạy theo Nhâm, tôi hơi tiếc cho Điều không thể mất.
     Mà điều không thể mất của người lính đó là ý chí bảo về Tổ Quốc, là tình nghĩa đồng chí, anh em ngoài chiến trường, là sẵn sàng hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, thủy chung trong tình yêu , nghĩa vợ chồng. Xin cảm ơn Cố Nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.Cảm ơn Nghệ sĩ, đạo diễn Lê Hùng và anh chị em nghệ sĩ , diễn viên của đoàn kịch Quân đội.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét